Tọa đàm đạo đức y tế trong thời đại khoa học công nghệ 4.0

Nhận lời mời của Đảng ủy, Ban Giảm hiệu nhà trường, ngày 23/11/2022 GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng - Nguyên thứ trường Bộ Y tế, Nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyên Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam có buổi nói chuyện chuyên đề “Đạo đức y tế trong thời đại khoa học công nghệ 4.0” tại trường Đại học Điều dưỡng Nam Định.

       Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS. Lê Thanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Trương Tuấn Anh - Hiệu trưởng nhà trường; các đồng chí trong Ban Giám hiệu và toàn thể viên chức, người lao động Nhà trường.

PGS.TS. Lê Thanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc buổi tọa đàm

       Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, PGS.TS. Lê Thanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường nhấn mạnh mục đích của buổi tọa đàm giúp toàn thể viên chức, người lao động Nhà trường hiểu rõ về vấn đề đạo đức y tế và đạo đức y tế trong thời đại công nghệ 4.0 từ đó biết cách xây dụng cho mình phương pháp tu dưỡng, rèn luyện đạo đức y tế nhằm nâng cao chất lượng hiệu quà công việc của các tập thể và cá nhân trong toàn Trường. Thông qua buổi tọa đàm mỗi viên chức, người lao động nhận thức được lợi ích của việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức y tế, tự giác phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch cùa năm học.

       Tại buổi nói chuyện, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng cho biết, không thể phủ nhận những lợi ích của sự phát triển Khoa học kỹ thuật khi ứng dụng trong đời sống của con người và xã hội. Đối với ngành y cũng vậy. Tuy nhiên, dù khoa học công nghệ phát triển đến đâu thì nó cũng do con người tạo ra và do con người áp dụng, vì vậy vẫn còn đó những tồn tại mà nếu chúng ta không làm chủ được khoa học công nghệ thì hậu quả để lại cũng rất lớn.

GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng tại buổi tọa đàm với viên chức, người lao động Nhà trường

       Trên thế giới và tại Việt Nam, sự phát triển của khoa học công nghệ ngành y tế đã tạo ra những thuận lợi trong việc điều trị, chăm sóc sức khỏe cho con người như: tiến bộ trong kỹ thuật thông tim và khai thông tắc mạch vành đã cứu sống rất nhiều người bị nhồi máu cơ tim do xơ vữa mạch vành, điều mà cách đây 20 đến 30 năm không thể làm được. Hay sự thành công trong việc mổ nội soi đã giúp giảm đi rất nhiều sự can thiệp nặng nề vào cơ thể người bệnh… 

       Theo GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, song song với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng kéo theo những mặt trái của nó, có 4 thách thức lớn đối với người thầy thuốc gặp phải trong thời đại 4.0: 

  • Thách thức đầu tiên là người thầy thuốc phải học tập và chịu học tập suốt đời để có kiến thức và tay nghề phù hợp với trình độ khoa học tiên tiến
  • Thách thức thứ hai là việc ỷ lại vào công nghệ và coi nhẹ mối quan hệ lâm sàng (mặt đối mặt) giữa người thầy thuốc với người bệnh
  • Thách thức thứ ba là lạm dụng kỹ thuật cao
  • Thách thức thứ tư là có nhiều cơ hội để dùng cơ thể người bệnh làm thử nghiệm để chứng minh cho tiến bộ của công nghệ mới

       Bằng dẫn chứng cụ thể, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng đã phân tích và gửi gắm đến những người thầy thuốc của hiện tại; những sinh viên là bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh trong tương lai có được cái nhìn tổng quan, có hướng đi cụ thể, tận dụng thành công của khoa học kỹ thuật trong y học nhưng không được lơ là mà phải luôn nâng cao đạo đức y tế. Dù ở đâu, công nghệ càng cao, y đức càng phải sáng. Nếu không, sự xuống cấp của đạo đức y tế sẽ bị che lấp và được ngụy biện bằng công nghệ.

TS.Trương Tuấn Anh – Hiệu trưởng nhà trường có lời cảm ơn đáp từ và chia sẻ tại lời kết buổi tọa đàm

       Có thể nói, buổi nói chuyện của GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng có ý nghĩa rất lớn trong việc định hướng cho các cán bộ y tế về y đức nghề nghiệp, đồng thời cũng nhắc nhở các bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh – người đang ứng dụng công nghệ khoa học thời đại 4.0 phải luôn giữ đạo đức y tế trong mọi hoàn cảnh.

 Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm